LƯU Ý KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG MÙA VỤ



Hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) mùa vụ là loại hợp đồng chỉ được áp dụng với công việc không mang tính chất thường xuyên và có thời hạn dưới 12 tháng. Khi giao kết loại hợp đồng này, doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

1. Điều kiện giao kết HĐLĐ mùa vụ

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 của Bộ luật Lao động năm 2012, doanh nghiệp được giao kết HĐLĐ mùa vụ với người lao động để thỏa thuận những công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; ngoại trừ một số trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động như:

- Đi làm nghĩa vụ quân sự,

- Nghỉ theo chế độ thai sản,

- Nghỉ theo chế độ ốm đau,

- Nghỉ theo chế độ tai nạn lao động,

- Nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 40.000.000 đồng tùy theo số người lao động bị vi phạm nếu giao kết không đúng loại HĐLĐ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

Vì vậy doanh nghiệp cần nắm rõ tính chất công việc và thời gian làm việc để giao kết HĐLĐ đúng quy định.

2. Người lao động làm việc theo HĐLĐ mùa vụ không phải thử việc

Theo pháp luật về lao động, không có quy định bắt buộc giữa doanh nghiệp và người lao động phải ký kết hợp đồng thử việc. Việc ký hay không ký hợp đồng thử việc hoàn toàn là do sự thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Lao động năm 2012, khi người lao động làm việc theo HĐLĐ mùa vụ thì không phải thử việc.

Do đó, doanh nghiệp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ (theo Khoản 1 và Khoản 5 Điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

3. Hình thức HĐLĐ mùa vụ

HĐLĐ mùa vụ phải được giao kết bằng văn bản. Trừ trường hợp thỏa thuận công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì các bên có thể giao kết HĐLĐ mùa vụ bằng lời nói.

4. Thời hạn HĐLĐ mùa vụ

HĐLĐ mùa vụ có thời hạn dưới 12 tháng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ mùa vụ hết hạn mà các bên vẫn tiếp tục quan hệ lao động thì phải tiến hành giao kết HĐLĐ mới. Các bên có thể tự do chọn loại HĐLĐ phù hợp với nhu cầu của mình.

Ngược lại, nếu các bên không tiến hành giao kết HĐLĐ mới, thì mặc nhiên HĐLĐ mùa vụ đã giao kết sẽ trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp các bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.

5. Các loại bảo hiểm phải đóng đối với HĐLĐ mùa vụ

Tùy vào thời hạn của HĐLĐ mùa vụ để xác định trách nhiệm tính đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể như bảng dưới đây:

BẢO HIỂM

Thời hạn của HĐLĐ mùa vụ (sau đây gọi là “T”)

T < 1 tháng

1 tháng ≤ T <3 tháng

3 tháng ≤ T<12 tháng

Bảo hiểm xã hội

Không tính đóng

Tính đóng

Tính đóng

Bảo hiểm y tế

Không tính đóng

Không tính đóng

Tính đóng

Bảo hiểm thất nghiệp

Không tính đóng

Không tính đóng

Tính đóng

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Không tính đóng

Tính đóng

Tính đóng

 6. Đóng thuế Thu nhập cá nhân đối với HĐLĐ mùa vụ

Đối với HĐLĐ mùa vụ dưới 03 tháng: Doanh nghiệp trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho người lao động là cá nhân cư trú không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Đối với HĐLĐ mùa vụ từ đủ 03 tháng trở lên: Người lao động là cá nhân cư trú ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên thì doanh nghiệp trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

-HT Legal-