NHỮNG LƯU Ý KHI KHỞI NGHIỆP TRONG NGÀNH F&B



Khởi nghiệp là một thách thức nhưng là thách thức đầy thú vị của những người làm chủ. Đặc biệt trong ngành F&B luôn có nhiều cơ hội và không gian để khám phá và thành công với nó.

NHỮNG LƯU Ý KHI KHỞI NGHIỆP TRONG NGÀNH F&B

Kinh doanh ngành F&B (Foods and Beverages) đang là một trong những lựa chọn khởi nghiệp “hot” nhất hiện nay, đặc biệt nhiều thương hiệu như The Kafe, The Coffee House,… nổi lên như những “hiện tượng” kinh doanh thành công trong lĩnh vực này với những ý tưởng mới, độc đáo.

Khởi nghiệp là một thách thức nhưng là thách thức đầy thú vị của những người làm chủ. Đặc biệt trong ngành F&B luôn có nhiều cơ hội và không gian để khám phá và thành công với nó.

Mặc dù vậy, khởi nghiệp không chỉ cần có ý tưởng hay, độc đáo, mà quan trọng hơn, ý tưởng đó phải có tính hiệu quả và khả thi trong thực tế. Thực tế cho thấy, khởi nghiệp ở Việt Nam luôn gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu rõ hết các quy định pháp luật và nhu cầu của thị trường tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đa số Start-up Việt Nam thường chưa có nhiều kinh nghiệm, khó thu hút vốn từ nước ngoài, đội ngũ nhân sự là những người làm chuyên môn, có những hạn chế nhất định về kiến thức pháp lý và các thủ tục hành chính riêng biệt trong ngành nghề kinh doanh của mình,…gây nhiều lúng túng và khó thành công lâu dài cho những nhà khởi nghiệp.

Để có thể giúp những nhà khởi nghiệp biết rõ hơn về các điều kiện cũng như những lưu ý về mặt pháp lý trước và trong khi khởi sự kinh doanh về ngành F&B, Chúng tôi đưa ra các nội dung mà cho rằng có thể có ích cho những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

  1. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp để thành lập

Điều đầu tiên trước khi bắt đầu thành lập một doanh nghiệp, cần xác định xem doanh nghiệp của mình nên đi theo loại hình nào thì sẽ phù hợp nhất. Các loại hình doanh nghiệp điều có những ưu và nhược điểm nhất định. Song, điều quan trọng là phải biết được sự phù hợp với thực tế hiện tại và tương lai của doanh nghiệp khi phát triển về sau.

Theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 sẽ có các loại hình doanh nghiệp sau:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty Hợp danh, Công ty cổ phần (các loại hình này có tư cách pháp nhân và chỉ chịu trách nhiệm theo số vốn đã góp vào công ty, trừ thành viên hợp danh trong công ty hợp danh sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình). Và,

Doanh nghiệp tư nhân, Hộ kinh doanh (chúng tôi đặt cùng nhau vì cả hai đều không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình).

Trong ngành F&B, chúng tôi luôn khuyến khích việc lựa chọn doanh nghiệp theo loại hình Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần vì việc quản lý sẽ dễ dàng, trách nhiệm có hạn và có thể mở rộng cơ sở kinh doanh một cách dễ dàng hơn rất nhiều so với các loại hình còn lại.

  1. Lưu ý khi hợp tác cùng người cộng sự

Trong hầu hết các mâu thuẫn phát sinh, các tranh chấp, kiện tụng trong kinh doanh giữa những người cộng sự hợp tác trong kinh doanh (thường là bạn hoặc người quen biết…) thì nguyên nhân chính là người trong cuộc không đưa có những giấy tờ pháp lý đầy đủ và hợp lệ. Vì thế, ngay ban đầu khởi nghiệp, các nhà đầu tư nên có những thỏa thuận cụ thể về cổ phần, lợi nhuận, mức đóng góp, chia sẻ doanh thu,… trên giấy tờ, có sự công nhận của pháp luật. Ngoài ra, khi ký bất cứ hợp đồng nào liên quan đến dự án kinh doanh đã hợp tác, bắt buộc bạn phải là người cùng tham gia, đồng ký tên hoặc phải xem qua việc hợp tác đó. Việc phân quyền các bên có thể ghi nhận trong Điều lệ công ty để thuận tiện trong quản lý và điều hành.

Nếu không, khi công việc kinh doanh thực sự phát triển, sự không rõ ràng trước kia sẽ làm ảnh hưởng đến sự gắn bó của các cộng sự và có thể kéo công ty đi xuống bởi những chuyện không hay trong nội bộ công ty.

  1. Lưu ý cách đặt tên

(1) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

(2) Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

(Điều 38 Luật Doanh nghiệp)

Ngoài ra, theo Khoản 1 và 2 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định liên quan đến đặt và sử dụng tên xâm phạm quyền của cá nhân, tổ chức đã được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ

  1. Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

  2. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.

Trong ngành F&B, việc sử dụng tên không được đăng ký bảo hộ dẫn đến trùng hay bị nhầm lẫn đến tên khác đã được bảo hộ trước đó thì sẽ là rủi ro vô cùng lớn khi phải xây dựng lại từ đầu và tốn chi phí phát triển thương hiệu mới hoặc có thể bị tranh chấp, kiện tụng tốn nhiều thời gian, công sức ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.

  1. Đạt được các giấy phép theo quy định về nghành nghề kinh doanh có điều kiện

Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là một loại giấy phép bắt buộc phải có khi hoạt động kinh doanh lĩnh vực F&B (Food and Beverage). Để đảm bảo được cơ quan cấp giấy chứng nhận thì doanh nghiệp/cơ sở phải đáp ứng các điều kiện theo luật định cũng như được thẩm định bởi cán bộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngành F&B thường sẽ phải có các giấy phép sau:

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (trong vài trường hợp đặc biệt)

Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự (dịch vụ karaoke, vũ trường, dịch vụ lưu trú.)

  1. Xây dựng và phát triển thương hiệu

Xây dựng thương hiệu lĩnh vực F&B bài bản và hiệu quả là đường tắt giúp thương hiệu bạn tiến tới thành công.

Trong xây dựng và phát triển thương hiệu cần chú ý đến các vấn đề như:

Định vị mô hình kinh doanh, tức là xác định được mô hình kinh doanh, mô hình phục vụ và ngay cả xác định đối tượng phục vụ trong lĩnh vực của mình.

Định vị sản phẩm, là điều bạn cần phải làm rõ trước khi bắt đầu kinh doanh. Sản phẩm sẽ phù hợp với phân khúc nào mà bạn lựa chọn và theo đuổi.

Việc lựa chọn địa điểm kinh doanh cũng luôn là bài toán khó đối với chủ đầu tư. Các nhà hàng, quán ăn có thể lập địa điểm kinh doanh mà không cần phải lập chi nhánh trên giấy phép nếu trong cùng tỉnh/thành phố đó đã có trụ sở doanh nghiệp hoặc chi nhánh.

Ngoài ra, xây dựng nhận diện thương hiệu nhằm mục đích khẳng định uy tín, sự chuyên nghiệp, truyền tải thông điệp tới khách hàng và mang bản sắc riêng của thương hiệu. Xây dựng nhận diện thương hiệu hiệu quả còn giúp giảm thiểu chi phí marketing và là điều cần làm nếu bạn muốn phát triển thành hệ thống hoặc nhượng quyền thương hiệu (Franchise).

Đăng ký nhãn hiệu đã từ lâu luôn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện ngay sau khi thành lập doanh nghiệp hoặc chuẩn bị ra mắt các sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu mới. Thế nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu. Nhiều trường hợp khi nhãn hiệu bị xâm phạm, ảnh hưởng đến uy tín thì lúc đó doanh nghiệp mới “cuống cuồng” đi đăng ký. Khi đó, thiệt hại đã xảy ra và có thể sẽ tốn rất nhiều thời gian để xây dựng lại một thương hiệu khác cho sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mình.

Nhãn hiệu luôn là một tài sản đặt biệt mà doanh nghiệp cần quan tâm và phải đăng ký bảo hộ độc quyền cho nó. Vì khi đó, nó mới có đầy đủ các quyền và được pháp luật bảo vệ một cách tốt nhất.

  1. Hoạt động nhượng quyền

Lĩnh vực F&B chưa bao giờ hết sôi động khi liên tục thu hút các thương hiệu nhượng quyền từ nước ngoài trong những năm vừa qua. Nhượng quyền thương mại (Franchise) trong lĩnh vực F&B ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Franchise F&B rất hấp dẫn bởi chủ kinh doanh không phải mất nhiều tiền bạc, thời gian, tâm trí để xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, các vấn đề về rủi ro trong khởi nghiệp cũng được giảm thiểu vì đã có sẵn mô hình kinh doanh thành công để áp dụng.

Nhượng quyền thương mại cần tiến hành các thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong nhượng quyền không phải là thủ tục pháp lý mà chính là thỏa thuận kinh doanh trong hợp đồng nhượng quyền. Càng làm rõ các vấn đề trong thỏa thuận như về chi phí, bí quyết, công nghệ, đào tạo, doanh thu, cơ chế giải quyết tranh chấp,… sẽ hạn chế được nhiều rủi ro trong điều hành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Thuế

Đóng thuế là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi có hoạt động phát sinh lợi nhuận tại Việt Nam theo pháp luật quy định. Việc đóng thuế đúng, đủ cũng là một trong những cách thức mà doanh nghiệp đóng góp cho an sinh xã hội và phát triển đất nước. Việc hoạch toán chi phí cần cẩn trọng và đảm bảo đúng pháp luật để tránh bị xử phạt gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp hay nặng hơn bị cấm hoạt động hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. Sự kiện pháp lý do Covid-19

Khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Trong giao dịch, quan hệ hợp đồng dân sự hoặc thương mại, việc chứng minh sự kiện bất khả kháng sẽ giúp bên vi phạm không phải bồi thường thiệt hại. Với sự kiện bất khả kháng, khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép "bên không thực hiện đúng nghĩa vụ" sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tại Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự cho phép "người gây thiệt hại ngoài hợp đồng không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại". Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 nêu "người vi phạm hợp đồng thương mại được miễn trách nhiệm".

Tuy nhiên, bên vi phạm, bên mong muốn được miễn trừ trách nhiệm khi áp dụng sự kiện bất khả kháng, cần tuân thủ quy định sau:

- Phải thông báo bằng văn bản cho bên bị vi phạm về sự kiện bất khả kháng xảy ra gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự, thương mại.

- Phải có nghĩa vụ chứng minh.

Sự kiện Covid-19 được xem là một sự kiện bất khả kháng vì nó thỏa mãn, hội tụ đủ các yếu tố tại Khoản 1 điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó, các bên trong quan hệ hợp đồng cần xem xét đến các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký để cùng đi đến việc thượng lượng, thống nhất cách giải quyết sao cho phù hợp với tình hình chung với tâm thế chia sẻ và cùng chịu rủi ro với nhau nhằm tránh các tranh chấp không đáng có.

Hãy liên lạc với chúng tôi để được tư vấn cụ thể và giải quyết các vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

HT Legal

Địa chỉ: Tầng 3, 31 Hàn Thuyên, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hotline: 093 1152 492

Email: tuvan.htlegal@gmail.com